Trang thông tin điện tử

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch cộng đồng Bình Châu chuyển mình để xứng tầm quốc tế

Với các giá trị lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng tại đây nhằm khơi dậy tiềm năng, giúp người dân quản lý, khai thác, hưởng lợi...

Tiềm năng lớn

Xã Bình Châu nằm về phía Đông Nam huyện Bình Sơn, cách trung tâm huyện theo tỉnh lộ khoảng 22 km. Đặc trưng của biển Bình Châu là có nhiều bãi đá ngầm, được tạo nên từ nhiều vết tích phun trào nham thạch của núi lửa từ hàng chục triệu năm trước cấu tạo nên. Vùng biển Bình Châu là nơi có nhiều giá trị di sản văn hóa – lịch sử, địa chất, cảnh quan tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó, khu vực vùng biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) là nơi tập trung nhiều giá trị tiềm năng cần được bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Vùng biển Vũng Tàu được mệnh danh là “nghĩa địa tàu đắm”, làng chài Vũng Tàu là “làng cổ vật tàu đắm” hiếm có của Việt Nam gắn với nhiều giá trị văn hóa bản địa khác.

Khu vực thôn Phú Quý và thôn Châu Thuận Biển là “bảo tàng tự nhiên” về hoạt động núi lửa biển, là một trong những bãi biển đạt nhiều tiêu chí của thế giới. Di tích cư trú và mai táng của người Sa Huỳnh được phát hiện có niên đại khoảng 3.500 năm trước. Các di tích văn hóa – lịch sử gắn với nghề đi biển vẫn còn được duy trì trùng tu tôn tạo, người dân vẫn tổ chức các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng được truyền thừa từ văn hóa Sa Huỳnh – Chăm Pa và Đại Việt như: lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền tứ linh; tục thờ cúng các Ông, thờ mẫu,... Do đó, Bình Châu xứng đáng với câu chuyện khác biệt: “Bình Châu – hơi thở văn hóa Sa Huỳnh trên nền địa chất núi lửa biển”.

Địa đạo Đám Toái nằm ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu - nơi từng được dùng làm nơi cứu chữa thương binh trận Vạn Tường (tháng 8/1965) được đặt mật danh là trạm phẫu A100.

 

Theo các chuyên gia khảo cổ, hơn 10 triệu năm trước, mảnh đất Bình Châu đã chứng kiến những cuộc biến động địa chất dữ dội. Dòng dung nham núi lửa phun trào, mảng lục địa và hải đảo đứt gãy, xô đẩy nhau tạo nên các đảo, núi non, gành đá, hang động, đồi cát, bãi biển... với thảm thực vật và hệ sinh thái biển đặc trưng. Những ngọn núi lửa đã tắt nhưng dòng thời gian vẫn chảy. Từ nơi đây, một hơi thở văn hóa hình thành, đó là văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân cổ Sa Huỳnh đã cư trú trên đất Bình Châu hơn 3.000 năm trước.

Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện ở vùng đất này. Di tích địa điểm cư trú và mộ táng Sa Huỳnh tại xã Bình Châu vừa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 20ha.

Văn hóa Sa Huỳnh được tiếp nối qua các thời kỳ và sản phẩm của hoạt động địa chất núi lửa biển là 02 yếu tố làm nên sự khác biệt cho Bình Châu, đây cũng là 02 yếu tố mang tính cạnh tranh cao so với nhiều nơi về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa biển đảo.

Các chuyên gia khảo cổ cho rằng, nơi đây có thể ví như nghĩa địa tàu đắm hiếm có trên thế giới. Trong phạm vi 24km2 quanh vùng biển Vũng Tàu có dấu vết của 8 con tàu cổ đắm. Trong đó, con tàu cổ nhất được khai quật là tàu Bình Châu 1 chở hơn 4.900 hiện vật gốm sứ có niên đại vào thế kỷ 13.

Thôn Châu Thuận Biển phía trước tiếp giáp với biển, sau lưng là những triền cát cao. Bãi biển nơi đây thoai thoải kéo dài hơn 10km, từ lâu đã trở thành bãi tắm lý tưởng cho người dân địa phương cùng du khách.

Ngoài vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, Bình Châu còn nổi tiếng với kho tàng cổ vật. Bởi hầu hết các gia đình trong thôn đều lưu giữ, bảo quản nhiều cổ vật có niên đại hàng trăm năm. Vùng biển thôn Châu Thuận Biển còn có tên gọi khác là Vũng Tàu do từng có nhiều tàu chở cổ vật bị đắm tại đây. Riêng làng Gành Cả trong thôn có gần 300 hộ, thì đã có hơn 150 hộ sưu tầm, trưng bày cổ vật.

Từ năm 1999 đến nay, hàng nghìn cổ vật được phát hiện từ những con tàu đắm tại khu vực biển Bình Châu. Trong đó, năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) đã phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm. Dấu tích khai quật cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên, có đồng tiền muộn nhất ở niên đại 1264 - 1295. Năm 2014, ngư dân cũng phát hiện 1 tàu cổ đắm, các hiện vật bị vỡ gồm tô, bát, đĩa có niên đại từ đầu thế kỷ 17…

Đến Bình Châu, du khách còn có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm nhiều kỳ tác thiên nhiên khác như: đắm mình trong họng núi lửa cổ Ba Làng An, thăm gành đá đỏ, hang Yến, gành lá Ngái, An Hải sa bàn; massage bằng sóng biển trên thềm biển mài mòn của Bãi Trà Giang...

Thắng cảnh Ba Làng An (xã Bình Châu) nhìn từ trên cao (Nguồn: Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi).

 

Xây dựng Bộ Sản phẩm - Dịch vụ tiềm năng

Vùng đất Bình Châu có đầy đủ các điều kiện tự nhiên địa chất, di sản, văn hóa, lịch sử địa phương. Trong đó, thắng cảnh Ba Làng An từng rất nổi tiếng trong bản đồ hàng hải quốc tế cách đây vài thế kỷ.

Các gia đình ở làng chài Gành Cả lưu giữ nhiều cổ vật rất giá trị. Đây là một trong những yếu tố độc đáo không phải nơi nào cũng có được, có thể tận dụng để xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Qua đó, thu hút du khách đến địa phương tham quan, nghiên cứu về cổ vật.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu - Nguyễn Thị Hảo, địa phương chưa có mô hình du lịch nào phù hợp, chủ yếu là người dân làm du lịch tự phát. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng rất cần thiết. Xã rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ  của Sở VH-TT&DL cùng đơn vị tư vấn hướng dẫn định hình phát triển du lịch cộng đồng để người dân chung tay và cùng hưởng lợi.

Du khách khám phá vẻ đẹp do thiên nhiên ở Hòn Nhàn - xã Bình Châu. Nguồn: Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi.

 

Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2023 đến nay, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với UBND xã Bình Châu và doanh nghiệp tổ chức triển khai dự án “Xây dựng sản phẩm, tập huấn chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh”. Theo đó, cơ quan chức năng và người dân cùng hoạch định những bước đi tiếp theo để phát triển du lịch tại địa phương.

Sở VH-TT&DL phối hợp chính quyền địa phương xây dựng mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu. Người dân là chủ thể trực tiếp tham gia mô hình, dần dần tiến tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, phát triển kinh tế từ du lịch.

Thông qua Dự án, giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản và tăng cường tính đoàn kết, hợp tác phát triển du lịch cộng đồng cho người dân bản địa. Thiết lập tour, tuyến du lịch kết nối Bình Châu với các điểm đến lân cận khác phù hợp với loại hình tham quan, trải nghiệm văn hóa địa chất, văn hóa biển đảo gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh tại Bình Châu. Xây dựng nội dung truyền thông về giá trị nổi bật, quảng bá câu chuyện sản phẩm Bình Châu. Xây dựng phương án hoạt động Tổ hợp tác du lịch cộng đồng nhằm hướng tới phát triển điểm du lịch cộng đồng cho Bình Châu.

Dự án đã xây dựng Bộ Sản phẩm – Dịch vụ tiềm năng theo tiêu chuẩn chất lượng OCOP “Khám phá địa chất núi lửa và văn hóa biển đảo Bình Châu”. Chương trình Tour dự kiến: Tour 1 ngày, lịch trình TP. Quảng Ngãi – Bình Châu; Tour 1 ngày 1 đêm, lịch trình TP. Quảng Ngãi – Tịnh Khê – Bình Châu; Tour 1 ngày 2 đêm, lịch trình Sân bay Chu Lai – Bình Châu – Lý Sơn.

Có thể nói, du khách đến với vùng đất Bình Châu cũng là đến với một phần không gian văn hóa Sa Huỳnh. Hiếm có nơi nào mang lại cho du khách loại hình du lịch biển đảo hấp dẫn, độc đáo gắn liền với địa chất núi lửa biển, văn hóa tiền sử và nghĩa địa tàu đắm như Bình Châu. Du lịch cộng đồng Bình Châu sẽ chuyển mình phát triển xứng tầm quốc tế. Người dân Bình Châu - chủ nhân vùng đất thiêng cổ cũng sẽ là chủ thể cho sản phẩm – dịch vụ du lịch nơi đây.

 

Hải Yến


Nguồn:https://kinhtenongthon.vn/ Sao chép liên kết

Kết quả giải quyết hồ sơ

Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 89
Hôm qua: 180
Năm 2025: 147.187
Tất cả: 147.205