Truy cập nội dung luôn
SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

TỈNH QUẢNG NGÃI

Từ nữ thần Po Inư Nưgar đến thánh mẫu Thiên Y A Na – Một dòng chảy văn hóa

22/02/2021 10:06    117

1. Từ Nữ thần Po Inư Nưgar của người Chăm… Nữ thần Po Inư Nưgar là biểu tượng linh thiêng nhất của người Chăm về Mẹ. Ngày nay các huyền thoại, truyền thuyết, kiến trúc, lễ hội… về Nữ thần vẫn còn tồn tại và in đậm trong đời sống nhân dân. Nữ thần Po Inư Nưgar được coi là người Mẹ xứ sở của người Chăm, là người sáng lập ra vương quốc Chămpa. Từ thời cổ đại đến thời cận đại đã có rất nhiều thần thoại viết về nguồn gốc của Nữ thần. Ngay từ thời sơ thủy, trong dân gian đã bắt đầu kể về Bà: “Ngài là Nữ thần mẹ của vương quốc Ngài tạo dựng nên vùng đất cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi Ngài gây ra giống lúa và dạy dân gian trồng lúa Vua trên trời ngửi thấy hương thơm của lúa đang trổ chọn, pha lẫn hương thơm trầm gỗ của người trần gian dâng tế trời. Po yang Inư Nưgar mới cho đứa lên trời một hạt lúa có cánh trắng như đám mây. Vua trên trời gieo hạt lúa ấy mà làm nên tất cả mọi giống lúa. Tuy khác nhau về màu sắc bên ngoài nhưng bên trong thì hoàn toàn như nhau. Po Inư Nưgar ghét hạng người độc ác, thường giúp đỡ hạng người hiền lành. Lễ cúng Ngài chỉ có trầu, dâng trên hai cánh tay nâng cao”.

Theo truyền thuyết, Bà là vị thần từ cõi trời xuống trần gian. Bà có 97 người chồng, 36 người con. Nữ thần có nhiều tên gọi khác nhau: Po Inư Nưgar (thần Mẹ xứ sở), Po yang Inư Nưgar Taha (thần Mẹ lớn xứ sở), Muk Juk (Bà Đen), Pataw Kamei (Vua của đàn bà), Bahagavati vari (Nữ thần Mẹ lớn Linga – Shiva). Khi Bà La Môn giáo xuất hiện ở Champa, người Chăm Bà La Môn giáo đã đồng nhất Po Inư Nưgar với Nữ thần Uma – vợ thần Shiva trong Bà La Môn giáo của người Ấn Độ. Về sau, dưới cách nhìn của người Chăm Bà ni lại cho rằng Bà là con gái của Âu Loa Hú (thượng đế).

Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ thì đã có sự hòa nhập giữa vị thần Bhavapara (Uma – vợ của  thần Shiva) của Ấn giáo với nữ thần bản địa Po Inư Nưgar của người Chăm và sau này còn được Hồi giáo Bà ni hóa nữa. Kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa đó, Po Inư Nưgar được các triều đại vua Chămpa ở vùng Kauthara (Nha Trang) tôn thờ ở vị trí tối cao.

Như vậy, việc tôn thờ vị thần Mẹ xứ sở ở vị trí tối thượng là nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm. Để hình thành nên tục thờ Mẫu của mình, người Chăm đã phải trải qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa hết sức sâu sắc. Từ nguồn gốc thờ cúng nữ thần mang tính bản địa đến những thế kỷ đầu Công nguyên đã diễn ra quá trình hỗn dung văn hóa Ấn mà trong đó có tục thờ thần Shiva và nữ thần Uma – Bahavapara. Đây được xem là thời kỳ bắt đầu phục hồi yếu tố Mẹ của tín ngưỡng dân gian.  Đến thế kỷ X, một bộ phận văn hóa Chăm đã tiếp nhận văn hóa Islam từ các quốc gia hải đảo nên cũng diễn ra quá trình Islam hóa Mẫu thần Po Inư Nưgar trên phương diện tôn giáo.

  Po Inư Nưgar hiện diện trong tâm thức người Chăm như một vị thần tối thượng sinh ra mọi thứ, từ vũ trụ đến đất đai, cây cối, lúa gạo và cả con người. Bà lại là nữ thần Mẹ của xứ sở che chở con người Chăm và giúp họ tồn tại với chức năng là nữ thần nông nghiệp bởi đó là ngành kinh tế chính của họ từ trước đến nay. Do vậy đối với người Chăm, Po Inư Nưgar là vị thần tối thượng toàn năng, là đấng sáng tạo, đấng bảo vệ, đấng hủy diệt những điều xấu, điều ác. Chính vì thế mà trong hầu hết các nghi lễ, nữ thần Po Inư Nưgar luôn được người Chăm cầu xin ban phước và bảo vệ. Trong suốt chiều dài lịch sử, người Chăm vẫn luôn tôn thờ một Bà Mẹ xứ sở của từng thôn làng họ. Từ sau thế kỷ X, cùng với quá trình Nam tiến của người Việt đến những vùng đất mới đã dẫn đến quá trình Việt hóa hình tượng Mẫu thần Po Inư Nưgar ở miền đất Trung Bộ, kết quả đã cho ra đời hình tượng Thánh Mẫu Việt – Chăm: Thiên Y A Na.

2.  … đến việc phụng thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na khu vực Nam Trung bộ

Trong quá trình mở mang bờ cõi, bắt đầu từ thời nhà Lý (thế kỷ XI), người Việt càng ngày càng tiến sâu hơn vào phần lãnh thổ phía Nam. Và tại đây đã diễn ra quá trình đồng hóa giữa người Chăm với người Việt. “… gần mười thế kỷ, ở vùng từ Huế đến Nha Trang đã diễn ra quá trình hòa đồng chủng tộc và hòa đồng văn hóa rất sâu sắc giữa người Chăm và người Việt. Trên bình diện đời sống tín ngưỡng tôn giáo đã thể hiện sự hoà đồng, hỗn dung và tiếp biến ấy.”

Nếu trên địa bàn miền Bắc hay nói chính xác hơn là từ phía bắc Đèo Ngang đổ ra, người Việt tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì đến vùng đất Trung bộ và Nam Trung bộ đã được thay thế bằng Mẫu Thiên Y A Na với nguồn gốc và thần tích hoàn toàn khác. Thiên Y A Na được tôn là vị Thánh Mẫu cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, có sắc chỉ của các vua triều Nguyễn phong làm “Thượng đẳng thần” là bậc thần cao nhất. Trong tâm thức dân gian, Bà là người đã giúp dân biết làm ăn, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên và no đủ cho họ. Chính vì vậy, để tưởng nhớ công ơn Bà, người dân đã lập đền thờ và hàng năm đều tổ chức thờ cúng mong Bà ban hồng ân cho quốc thái dân an, cho chúng sinh an bình, gia đình hạnh phúc.  

Thiên Y A Na là vị thần được thờ cúng ở khắp các miền quê của dải đất miền Trung với danh xưng “Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc”. Việc thờ cúng vị thiên thần này trải dài từ Huế đến tận vùng Nam Trung bộ. Các địa danh nổi tiếng thờ cúng Bà có Điện Hòn Chén (Huế), Dinh Thiên Y A Na ở huyện đảo Lý Sơn, Điện Trường Bà ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), tháp Bà Po Nagar (Nha Trang), tháp Bà Po Sha Inư (Bình Thuận). Không chỉ riêng miền Trung, nhiều nơi khác ở Nam bộ như An Giang, Bến Tre cũng có miếu thờ Bà Thiên Y A Na…

Ở huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi có một dinh thờ Thiên Y A Na hay còn gọi là Dinh Bà, thuộc xóm Trung Yên, thôn Tây, xã An Hải. Có thể nguyên thủy, đây là nơi thờ nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm, sau đó người Việt ra định cư ở đảo đã xây dựng dinh thờ Thiên Y A Na theo kiểu kiến trúc Việt, với danh xưng thuần Việt. Bên trong dinh có linh vị khắc bằng chữ Hán: “Sắc hoằng huệ phổ tuế linh mặc tướng trang uy dực bảo trung hưng Thiên Y A Na diễn ngọc phi thượng đẳng thần”. Cũng có nơi khác gọi bà là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc.  Hàng năm, tại đền Thiên Y A Na đều có tổ chức các lễ chính như Lễ vía Bà, tổ chức lễ tế xuân, tế thu và đặc biệt là lễ tế trong những ngày Tết Nguyên đán được Ban tế tự của làng và chính quyền địa phương tổ chức hết sức trang trọng, phản ánh nét sinh hoạt văn hoá tâm linh và sự cố kết cộng đồng bền chặt. 

 

Tựu trung lại, có rất nhiều tộc người có tục thờ Mẫu, mỗi tộc người có một bà Mẫu khởi nguyên và họ xem đó là tổ tiên của mình như Mẫu Âu Cơ của người Việt hay Po Inư Nưgar của người Chăm và cả những Mẫu thần xuất phát từ sự giao thoa văn hoá giữa các tộc người với nhau, như Thánh Mẫu Thiên Y A Na (giao thoa Việt – Chăm) được thờ cúng phổ biến ở khu vực Nam Trung bộ. Lịch sử xã hội phát triển, các giai cấp và hình thái xã hội ra đời, ngoài những vị Mẫu được xem là nguồn khởi nguyên giống nòi thì riêng từng nhóm người lại tôn thờ một vị Mẫu thần cụ thể, gần gũi và cần thiết cho cuộc sống tâm linh của bản thân. Chính những hoạt động này đã và đang góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

PTT

 

Dinh Thiên Y A Na ở thôn An Hải, huyện Lý Sơn


Chú thích:

[i]Văn Đình Hy (1978): Từ thần thoại Pô Inư Nưgar đến Thiên Y A NaNhững vấn đề dân tộc học ở miền Nam Việt Nam, Tập II, quyển 2. Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, tr.154.

 Ngô Đức Thịnh 2010: Đạo Mẫu Việt Nam. – Nxb Thời đại, tr. 277.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255.3822716. Email: svhtt@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: 105 Hùng Vương - Thành phố Quảng Ngãi