Truy cập nội dung luôn
SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

TỈNH QUẢNG NGÃI

Vai trò công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

16/09/2021 16:01    124

Di tích lịch sử – văn hóa (DTLSVH) có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Di tích lịch sử - văn hóa nếu được phát huy tốt sẽ góp phần phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, du lịch và văn hóa luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, sẽ là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Vì vậy, để di tích lịch sử - văn hóa phát huy được tiềm năm, thế mạnh, làm cầu nối cho phát triển du lịch, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước phải được quan tâm, đẩy mạnh.

Đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh có 01 di tích quốc gia đặc biệt; 31 di tích quốc gia; 140 di tích cấp tỉnh và 76 di tích có quyết định bảo vệ. Các di tích đã xếp hạng phân bố hầu khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhưng tập trung nhiều ở các địa phương đồng bằng như thành phố Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức, huyện Bình Sơn, huyện Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ, huyện đảo Lý Sơn.

 Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với DTLSVH trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Một số DTLSVH đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo và khai thác có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo nhiều DTLSVH xuống cấp như đình An Định (Nghĩa Hành), chùa Khánh Vân (thành phố Quảng Ngãi), di tích Trường Lũy (Nghĩa Hành)…đồng thời, các địa phương trong tỉnh, bằng nhiều nguồn vốn và ngân sách nhà nước cũng đã thực hiện tiến hành trùng tu, tôn tạo được một số công trình, tiêu biểu: huyện Mộ Đức đã đầu tư làm đường và phục dựng lại đền Văn Thánh (Đức Chánh) với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng, chỉnh trang khuôn viên trước Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng (Đức Tân) với số tiền 350 triệu đồng, trùng tu, sửa chữa đình Thi Phổ (Đức Thạnh) với số tiền 650 triệu đồng, trùng tu, sửa chữa di tích Miếu Bà Kỳ Tân (Đức Lợi) (số tiền xã hội hóa 1,6 tỷ đồng); thị xã Đức Phổ đầu tư xây dựng Bia di tích Chiến thắng đèo Mỹ Trang (Phổ Cường): 5.414 triệu đồng, Bia di tích Cầu Giác (Phổ Thuận) 500 triệu đồng, Bia di tích Điểm cập bến tàu không số (C41) bãi biển An Thổ (Phổ An) 500 triệu đồng; Bia di tích Điểm cập bến tàu không số (C43B) tại bãi biển Quy Thiện (Phổ Khánh) 500 triệu đồng; huyện Nghĩa Hành đã xây dựng, tôn tạo, sửa chữa, chỉnh trang 14 di tích, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế tron công tác QLNN đối với DTLSVH như: Công tác tu bổ, tôn tạo DTLSVH còn gặp nhiều khó khăn, nhiều DTLSVH xuống cấp nhưng thiếu nguồn kinh phí để tu bổ. Những hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực DTLSVH còn hạn chế và dàn trải; công tác phổ biến, tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng còn yếu; thiếu sự chủ động trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy DTLSVH; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế…

Từ những nguyên nhân trên đòi hỏi cần tiến hành một số giải pháp hoàn thiện công tác QLNN đối với DTLSVH trên địa bàn tỉnh. Cần bố trí nguồn lực tiến hành công tác kiểm kê DTLSVH; xây dựng lộ trình hằng năm cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị DTLSVH trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên các DTLSVH có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, rà soát để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với DTLSVH, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DTLSVH; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác QLNN đối với DTLSVH bằng cách tạo điều kiện cho cán bộ, công chức phụ trách mảng được tham dự các lớp tập huấn của Bộ VHTT&DL, Cục Di sản văn hóa..., tăng cường đi thực tế để nắm bắt thực trạng di tích tại các địa phương trong tỉnh.

Đẩy mạnh phân cấp để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý DTLSVH; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DTLSVH; phân cấp nguồn ngân sách cho hoạt động quản lý DTLSVH cho từng địa phương.

Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý đối với DTLSVH, quản lý các nguồn thu bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm vệ sinh môi trường và cảnh quan DTLSVH; thanh tra, kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo các DTLSVH để bảo đảm chất lượng công trình.

Vừa qua, tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở, đồng chí Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẩn trương hoàn thành Đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2031, coi đây là kim chỉ nam để công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh khởi sắc, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới; theo đó, Đề án cần đánh giá chi tiết, tổng quan về hiện trạng các di tích trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu đưa số hóa vào Đề án, tích hợp công tác tập huấn chuyên môn cho các địa phương, đặt ra tiêu chí ưu tiên khi đầu tư, tôn tạo các di tích; đồng thời, khẩn trương tham mưu dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

Tấn Thiên

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255.3822716. Email: svhtt@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: 105 Hùng Vương - Thành phố Quảng Ngãi