Bàn biện pháp xử lý các hiện vật do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thu giữ
24/05/2023 10:14 273
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc họp bàn về biện pháp xử lý các hiện vật do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thu giữ của ngư dân hoạt động lặn biển tại vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo: Văn phòng UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Hải, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh…
Theo báo cáo tại cuộc họp: chiều ngày 17/5/2023, tại vị trí tọa độ 15021’00”N, 108054’39”E, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra phát hiện thuyền viên tàu BD 10546 TS/09 đang có dấu hiệu lặn tìm cổ vật. Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện trên tàu có 33 đĩa, 07 tô, đồng thời thu giữ.
Ngày 23/5/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mở niêm phong thùng chứa hiện vật gồm 33 đĩa, 07 tô. Bước đầu nhận định: các loại hình hiện vật thuộc dòng đồ gốm men ngọc vẽ ám họa, ánh vàng trên men, đồ gốm men trắng vẽ màu, đồ sứ hoa lam... có nguồn gốc từ các lò gốm Chương Châu, Trung Quốc, thuộc thế kỷ 16-17. Trong số các hiện vật này có một số đĩa được vẽ coban với motif là hình hoa ổ hay đồ án ở giữa rồi chia thành nhiều phần được vẽ cân đối qua tâm gọi là hình rẻ quạt, đặc trưng ít thấy ở Trung Quốc.
Số cổ vật này nằm dưới độ sâu khoảng 60m nước và bị chôn vùi dưới lớp bùn, khả năng tàu bị chìm nhanh khi gặp bão nên hàng hóa gốm sứ còn giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, để có cơ sở đánh giá khoa học cần phải có phương án thăm dò, khảo sát để có thông số kỹ thuật chính xác và tiến hành các bước tiếp theo.
Vùng biển Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một khu vực có vị trí quan trọng, là nơi neo đậu của các thuyền buồm trên con đường hải hành giao thương mạnh mẽ trên biển Đông nối Trung Quốc, Nhật Bản tới các quốc gia Đông Nam Á và châu Âu thông qua con đường tơ lụa gốm sứ trên biển trong nhiều thế kỷ trước. Tại vùng biển này, đã phát hiện và khai quật 4 con tàu cổ. Việc phát hiện thêm một con tàu cổ nữa tại vùng biển này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần cũng cố thêm cứ liệu về con đường gốm sứ trên biển mà Việt Nam với vị trí địa chính trị của mình đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển con đường này.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cục, vụ liên quan và Hội đồng giám định cổ vật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành giám định, đánh giá về giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và kinh tế của di sản văn hoá dưới nước và kiến nghị các biện pháp bảo vệ cần thiết và việc xử lý đối với di sản văn hoá dưới nước theo quy định. Xây dựng Phương án khảo sát, thăm dò và dự toán nguồn kinh phí thực hiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn tuyên truyền, vận động các tổ chức, công dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Lập kế hoạch và tổ chức triển khai ngay việc bảo vệ an toàn, an ninh trật tự tại khu vực phát hiện di sản văn hóa dưới nước; tiến hành kiểm tra, điều tra các tổ chức, cá nhân khai thác, trục vớt trái phép, tàng trữ các cổ vật trục vớt trái phép; thu giữ và bàn giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn, Lý Sơn: Chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hóa cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn; vận động nhân dân địa phương không thực hiện khai thác, trục vớt trái phép; đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân khai thác và buôn bán trái phép cổ vật theo quy định.
Tin ảnh: Xuân Dũng