BÚT TÍCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG CHUYẾN THĂM KHU CHỨNG TÍCH SƠN MỸ VÀ KHU LƯU NIỆM THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG (01/9/2008)
23/07/2024 15:26 186
BÚT TÍCH CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG CHUYẾN THĂM KHU CHỨNG TÍCH SƠN MỸ VÀ KHU LƯU NIỆM THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG (01/9/2008) Từ ngày 31/8 – 2/9/2008, Bác Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã dẫn đầu Đoàn công tác của Quốc hội thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo chương trình, Bác và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 của tỉnh Quảng Ngãi; Giám sát tình hình thực hiện dự án Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất theo Nghị quyết của Quốc hội và kiểm tra gói thầu số 1 và Cảng xuất sản phẩm; thăm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Bác Nguyễn Phú Trọng còn đặt vòng hoa và thắp hương tại Khu chứng tích Sơn Mỹ; dự Lễ khánh thành Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; thăm, tặng quà cho các hộ gia đình có công với cách mạng, gia đình khó khăn và gia đình làm ăn giỏi tại xã Trà Nham, Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Nghe tin Bác mất, lục tìm lại những ký ức về Bác làm tôi nhớ đến hình ảnh Bác và những dòng Bác viết trong cuốn sổ lưu niệm trong chuyến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ và Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bao ký ức lại ùa về, nhớ thương về những ngày tháng năm ấy khi có Bác. Lời Bác viết tuy ngắn gọn nhưng giản dị, làm sáng rõ sâu sắc, chính xác những ý tưởng, tâm huyết, mong muốn và quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta. Đương thời Bác từng nói với chúng ta: “Tôi nghĩ, mình vẫn ở trong dân, từ dân mà ra, nên từ cụ già, em nhỏ, phụ nữ,… tôi đều rất tôn trọng và lắng nghe thực sự. Vốn sống thực tiễn, ý kiến từ dân, tình cảm của dân, đó là nguồn không bao giờ cạn, bồi đắp cho mình nhiều lắm. Tôi thấy mình đi chưa được nhiều và còn muốn đi nhiều nữa. Nhưng điều quan trọng là phải chọn cách đi như thế nào cho thiết thực; đi để học dân, học thực tiễn, làm sao để chính sách, luật pháp đừng xa rời cuộc sống”. Thương Bác khi đọc lại những dòng chữ này. Bác thương “nhân dân Việt Nam”, Bác lo cho “đất nước Việt Nam”, Bác dạy chúng ta về tính nhân văn cao cả của dân tộc: “Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai theo tinh thần hòa hiếu của nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải làm hết sức mình để cái ác không bao giờ được xảy ra, không bao giờ được trở lại”.
Sự kiện Bác Nguyễn Phú Trọng về thăm quê hương Quảng Ngãi, thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ và Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một kỷ niệm rất xúc động đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Xin trích lại nội dung bút tích của Bác trong chuyến công tác ấy, như sau:
“Tôi rất xúc động khi thăm khu chứng tích Sơn Mỹ, một hình thức bảo tàng đơn giản nhưng vô cùng có ý nghĩa sâu sắc, nói lên nhiều điều: Bằng chứng không thể chối cải về tội ác dã man, không còn tình người của bọn đế quốc xâm lược; về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Sơn Mỹ nói riêng, của đồng bào Việt Nam nói chung; về tính nhân văn cao cả của con người Việt Nam; của một số người lính Mỹ còn giữ được tính nhân đạo; về sự hồi sinh của đất nước Việt Nam; sự vươn lên cái thiện, cái đẹp, sẵn sàn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai theo tinh thần hòa hiếu của nhân dân Việt Nam. Nhưng quên đi tội ác thì không! Chúng ta sẽ làm hết sức mình để cái ác không bao giờ được xảy ra, không bao giờ được trở lại.
Xin cảm ơn các đồng chí, đồng bào đã dựng lại những chứng tích này. Cảm ơn anh chị em làm việc trực tiếp tại đây. Cần giáo dục cho các thế hệ không bao giờ quên quá khứ đau thương và tinh thần chiến đấu dân tộc”./.
Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương Đảng CSVN
Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
Quảng Ngãi, ngày 01/9/2008
Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà yêu nước nhiệt thành, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế, nhà lý luận xuất sắc, nhà ngoại giao có kinh nghiệm, nhà văn hóa lớn của đất nước ta.
Xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, chúng ta rất tự hào đã có công sinh ra, nuôi nấng và góp phần hun đúc nên một con người, một tấm lòng, một nhân cách Phạm Văn Đồng – Người con ưu tú của quê hương và dân tộc, người góp phần làm rạng danh quê hương Núi Ấn – Sông Trà kiên cường và yêu quý của chúng ta.
Việc xây dựng Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại chính quê hương của đồng chí là việc làm có nhiều nghĩa chính trị và văn hóa sâu sắc. Đây không chỉ là nghĩa cử bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng to lớn đối với đồng chí Phạm Văn Đồng, mà còn là nhằm giáo dục, bồi dưỡng về lòng tự hào đối với truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương ta, dân tộc ta.
Rất mong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ngãi mãi mãi giữ gìn và phát huy khu di tích quan trọng này, và mãi mãi đoàn kết phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển về mọi mặt, xứng đáng với lòng tin yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước và sự gửi gắm của đồng chí Phạm Văn Đồng./.
Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương Đảng CSVN
Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
Bút tích Bác viết trong cuốn sổ lưu tại Khu chứng tích Sơn Mỹ
Võ Minh Tuấn