Truy cập nội dung luôn
SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH

TỈNH QUẢNG NGÃI

Kỷ niệm 62 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 - 28/8/2021)

25/08/2021 14:21    315

Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ miền núi Nam Trung bộ, do Đảng lãnh đạo và tổ chức, nổ ra vào ngày 28/8/1959 tại huyện Trà Bồng, sau đó lan nhanh ra khắp miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Nhân kỷ niệm 62 năm Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi giới thiệu đến bạn đọc quần thể Di tích Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

Quần thể di tích Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 30/12/1992. Quần thể di tích lịch sử này gồm 08 điểm gồm: Di tích đồi Gò Rô; Di tích Nước; Di tích đồn Eo Chim; Di tích đồn Làng Ngãi; Di tích đồn Đá Líp, Di tích Lô cốt trung tâm; Di tích đồn Xây dựng và Di tích đồn Tà Lạt. Năm 1999, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi được xây dựng làm nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật giới thiệu cho các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế về cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng quật khởi với sự tham gia của nhân dân Trà Bồng và các huyện lân cận thuộc miền Tây Quảng Ngãi.

Di tích Nước Xoay

Di tích Nước Xoay thuộc xã Trà Thọ (nay là xã Tây Trà). Nơi đây, ngày 03/3/1958, được sự chỉ đạo của Khu ủy V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đơn vị 339 được thành lập gồm 43 người. Đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được thành lập theo Quyết định của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đơn vị làm lễ tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng, với khẩu hiệu “Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đánh đổ Mỹ - Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân”. Đơn vị 339 cũng chính là lực lượng nòng cốt cùng với nhân dân Trà Bồng làm nên chiến thắng của Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

 Di tích đồi Gò Rô

 Di tích đồi Gò Rô nằm ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng. Tại đây, từng chứng kiến nghĩa quân dân tộc Cor bẻ gãy cuộc càn quyét của thực dân Pháp vào tháng 1/1939 và ngày 7/7/1958 đã diễn ra Đại hội đại đoàn kết các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi với sự tham gia của 200 đại biểu các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong và Kinh, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ - Diệm, đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Cũng chính tại khu đồi Gò Rô, sau khi Khởi nghĩa Trà Bồng thắng lợi, ngày 3/9/1959, nhân dân xã Trà phong mở đại hội bầu ra Uỷ ban nhân dân tự quản xã; Sau đó, các xã vùng cao cũng lần lượt bầu ra ủy ban nhân dân tự quản. Vì thế, Trà Phong còn được xem là trung tâm kháng chiến của nghĩa quân ngày trước, nơi họp Đại hội nhân dân các dân tộc toàn huyện chuẩn bị vũ trang giành chính quyền cách mạng và cũng là nơi được chọn làm nơi khai sinh chính quyền cách mạng. Tháng 1/1961 Đại hội mừng thắng lợi của Khởi nghĩa Trà Bồng, chào mừng sự ra đời của Ủy ban nhân dân tự quản huyện Trà Bồng. Hiện tại, đồi Gò Rô còn giữ nguyên vẹn những chứng tích của 60 năm trước như: bàn đá, cây si lớn, nền ngôi nhà xưa…

Di tích đồn Làng Ngãi

            Đồn Làng Ngãi là một trong những đồn có vị trí chiến lược quan trọng trên địa bàn huyện Tây Trà cũ và cũng là mục tiêu tấn công của ta trong cuộc khởi nghĩa. Đồn chốt giữ đường cơ động, liên lạc của ta – cơ quan đầu não của Khu ủy V đi các hướng xã Trà Thọ, Trà Trung, Trà Nham, trung tâm huyện lỵ Trà Bồng, huyện Sơn Hà và huyện Trà My của tỉnh Quảng Nam. Đồn được xây dựng theo kiểu đồn phòng thủ, gồm công sự cá nhân, các ổ đại liên và giao thông hào. Địch thường xuyên duy trì lực lượng chốt giữ ở đây khoảng một tiểu đoàn. Tại đây, đêm ngày 27/8/1959, lợi dụng lúc địch sơ hở, mất cảnh giác, lực lượng du kích, nhân dân xã và đơn vị 339 đã bí mật cơ động lực lượng áp sát đồn địch, bất ngờ nổ súng, cùng lúc hàng trăm mũi tên đốt lửa, tên tẩm thuốc độc của ta bắn vào đồn địch. Bị bất ngờ cùng với tinh thần hoang mang, dao động từ trước quân địch phản công yếu ớt và tìm đường tháo chạy về quân lỵ Sơn Hà và một số ra đầu hàng.

Đồn Đá Líp

          Đồn Đá Líp thuộc thôn Nguyên, xã Trà Hiệp. Đồn được xây dựng trên ngọn đồi sát chân núi Dung, đây là đồn có vị trí quan trọng nhất trong hệ thống đồn bót kìm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm ở vùng cao Trà Bồng, đồn kiểm soát được trục lộ giao thông từ Trà Bồng đi Trà Hiệp và qua Trà My. Mặt khác, đồn dễ dàng kiểm tra chặt chẻ khu dồn dân Làng Thân, nơi đồng bào dân tộc bị dồn về đây. Đồn không được xây dựng theo kiểu hầm ngầm mà hệ thống công sự, giao thông hào và các ổ đại liên bố trí theo hình bán nguyệt. Đồn Đá Líp là một trong ba đồn địch đặt hòm phiếu bầu cử, trò bầu cử mị dân vào ngày 28/8/1959. Cũng trong ngày 28/8/1959, quân và dân Trà Bồng đã đánh chiếm, đập phá thùng phiếu, xé ảnh Diệm, cờ Ba que, tịch thu khuôn dấu của chính quyền địch. Địa điểm đồn Đá Líp - một chốt điểm giữ tuyến đường nước bị lực lượng vũ trang 339 và đồng bào các dân tộc tổ chức nhiều trận bao vây tiến công làm cho địch hoang mang, tháo chạy và thất bại nặng nề.

Di tích đồn Đá Líp xã Trà Hiệp

 

Di tích lô cốt trung tâm quận lỵ Trà Bồng

          Di tích lô cốt trung tâm quận lỵ Trà Bồng, lô cốt gồm 2 cái có cấu trúc giống nhau được xây dựng theo trục đông tây, dọc theo con đường trong huyện, là nơi tập trung hỏa lực nhằm bảo vệ chính quyền đầu não của địch tại đây. Đêm ngày 28.8.1959, Một tổ vũ trang đột nhập vào quận lỵ dùng loa vạch tội ác địch, dùng súng bắn cảnh cáo uy hiếp bọn ác ôn, rải truyền đơn kêu gọi. Một tổ vũ trang xông vào trụ sở bầu cử tại quận lỵ, đốt cháy luôn cơ quan ngụy quyền, xé ảnh Diệm, cờ ba que. Bọn ngụy quân ngụy quyền sợ hãi cố thủ trong đồn không dám phản ứng.

Một năm sau, tháng 9/1960, quân khởi nghĩa tấn công quận lỵ Trà Bồng, lực lượng 339 và ba trung đội du kích đã tiêu diệt nguồn hỏa lực này, buộc địch phải rút chạy thảm hại, ta làm chủ quận lỵ Trà Bồng ngày 16/9. Hiện nay, hai lô cốt này vẫn còn nguyên vẹn nằm ở gần Uỷ ban nhân dân và Công an huyện.

     Di tích đồn Xây dựng

          Di tích đồn Xây dựng nằm ở thôn Trung, xã Trà Sơn, đồn được xây dựng với mục đích chắn giữ cửa ngõ phía tây đi về trung tâm huyện. Đồn có dạng hình tròn với 5 công sự lớn, nối các công sự là hệ thống giao thông hào sâu. Mặc dù trang bị hỏa lực mạnh, đồn vẫn bị ta tiêu diệt.

          Di tích đồn Tà Lạt

          Di tích đồn Tà Lạt là một trong những đồn lớn nằm ở xã Trà Lâm, đồn nằm trên đỉnh đồi, địa hình bằng phẳng, đồn có một hầm chỉ huy, bốn ổ trung liên và một hệ thống giao thông hào nối các công sự. Đồn được xây dựng nhằm án ngữ con đường liên xã và khu vực xã Trà Lâm nhằm yểm trợ cho đồn Eo Chim. Tại đây, địch cũng đặt hòm phiếu bầu cử mị dân và đã bị ta đốt cháy vào những ngày thắng lợi đầu tiên 28/8/1959. Hơn một năm sau, ngày 13/11/1960, ta tấn công đồn và tiêu diệt một trung đội, trận đánh này là dấu chấm dứt sự có mặt của địch với hệ thống đồn bót của chúng ở vùng cao Trà Bồng.

Di tích đồn Eo Chim

           Di tích đồn Eo Chim thuộc xã Trà Lãnh(nay là xã Hương Trà). Đồn được xây dựng dạng hình tròn trên đỉnh đèo Eo Chim, mặt ngoài đồn là dây thép gai, mặt trong là 4 công sự lớn theo hình tứ giác, chính giữa là công sự chỉ huy, đồn thường có một Đại đội đóng chốt. Nơi đây có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, án ngữ đường chính từ huyện Trà Bồng lên huyện Tây Trà. Vì vậy, địch đã xây dựng đồn Eo Chim với tham vọng kiểm soát cả một vùng rộng lớn gồm các xã: Trà Lâm, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Phong, Trà Thọ, Trà Trung. Mặt khác, đồn nằm ở trung tâm nơi có thể liên kết với các đồn Tà Lạt phía bắc, Eo Reo phía đông, Tầm Rung phía Nam dễ dàng cơ động phối hợp để đối phó với sự tấn công của ta cũng như việc kiểm soát đồng bào nơi đây. Tại đồn Eo Chim, khi bị quân khởi nghĩa tấn công, địch đã dựa vào sự kiên cố của đồn mà cố thủ từ ngày 28/8 đến 31/8/1959, nhưng bị ta bao vây áp đảo tinh thần, siết chặt vòng vây. Địch không chịu nổi sự uy hiếp đó phải mở đường tháo chạy và bị ta truy kích tiêu diệt khoảng 100 tên.Trải qua nhiều năm, đồn Eo Chim đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn có thể nhận ra các hố công sự, đường giao thông hào nối các ổ đại liên, cùng với công sự chỉ huy, mặt nền của kho lương thực.

Di tích đồn Eo Chim, xã Trà Lãnh (nay là xã Hương Trà). 

 

          Thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã mở đầu thời kỳ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, góp phần đẩy mạnh cao trào đấu tranh từng phần, giành chính quyền ở địa phương của nhân dân miền Nam trong những năm 1959 – 1960. Thắng lợi này không chỉ chứng minh sự đúng đắn trong chiến lược của Đảng ta về đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa vũ trang được thể hiện trong Nghị quyêt lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, không chỉ cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho việc vận dụng Nghị quyết 15 vào thực tiễn cách mạng ở Quảng Ngãi, mà là kết quả của sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi trong sự nghiệp cách mạng.

Bài, ảnh: Viết Thuận

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi

Điện thoại: 0255.3822716. Email: svhtt@quangngai.gov.vn

Địa chỉ: 105 Hùng Vương - Thành phố Quảng Ngãi