Trang thông tin điện tử

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ tưởng niệm 160 năm Ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết và Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định

Sáng 18.8, tại Đền thờ Trương Định ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 160 năm Ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864-20/8/2024) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định.

Dự lễ có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Cơ quan đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Lãnh đạo huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

 

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng Trương Định.

Năm 1820, tại làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, một vùng quê hiền hòa, có nền văn hiến lâu đời và giàu truyền thống yêu nước, đã sinh thành một người thiếu niên có khí phách phi thường, giỏi võ nghệ và am tường binh thư, đó là Trương Định.

Năm 1844, lúc 24 tuổi, Trương Định theo cha vào Nam, đến xứ Gò Công lập nghiệp. Năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình nhà Nguyễn, ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền khai hoang lập ấp ở Gia Thuận (thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Sau đó, được triều đình nhà Nguyễn phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ kiêm Chánh tổng huyện. Nhân dân địa phương trong vùng gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, khi quân Pháp mở rộng xâm lược miền Nam, Trương Định mộ quân, lập căn cứ quân sự tại vùng đất Gò Công dựng cờ khởi nghĩa và giành được nhiều trận thắng quan trọng, khiến quân thù khiếp sợ.

Đêm ngày 03 rạng sáng ngày 04/7/1860, nghĩa binh của Trương Định cùng Lãnh binh Nguyễn Văn Sất đem 2.000 nghĩa binh đánh đồn Kiểng Phước. Ngày 07/12/1860, nghĩa quân Trương Định phục kích giết chết Đại úy Barbet khi đi tuần. Nhờ tài đức, dũng cảm, gan dạ, tiên phong trong các trận đánh và lập nhiều chiến công, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho ông giữ chức Phó Lãnh binh Gia Định.

Bằng tài thao lược, uy tín, sự tín nhiệm của nghĩa binh và Nhân dân cùng ý chí quyết tâm chống giặc, giữ đất, giữ làng, Trương Định đã xây dựng Gò Công thành trung tâm kháng chiến mạnh nhất, thúc đẩy các phong trào yêu nước trong khu vực và Nam bộ phát triển mạnh mẽ. Giữa lúc phong trào kháng chiến của Nhân dân dâng cao, ngày 05/6/1862, triều đình Huế và Pháp ký Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và hạ lệnh ông bãi binh, phong chức Lãnh binh An Hà (An Giang), rồi điều ông ra Phú Yên. Đứng trước giữa lợi ích cá nhân và niềm tin của Nhân dân, Trương Định quyết ở lại, sát cánh cùng nghĩa quân chiến đấu chống giặc. Tháng 02/1863, nghĩa binh đắp đàn làm lễ bái tướng, suy tôn ông lên làm “Bình Tây Đại nguyên soái”, tự xưng danh “Trung Thiên tướng quân”.

Ngọn cờ Bình Tây Đại nguyên soái với khẩu hiệu của phong trào “Phan – Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” tung bay khắp nơi, nhân dân tin tưởng đi theo, số lượng nghĩa quân tăng nhanh, phong trào đấu tranh chống Pháp lớn mạnh, bè lũ cướp nước và bán nước ngày càng khiếp sợ và hoang mang.

Đêm ngày 19 tháng 8 năm Giáp Tý 1864, nghĩa quân Trương Định bị đánh úp bất ngờ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, Trương Định bị trọng thương và không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tuẫn tiết vào rạng sáng ngày 20/8/1864. Tuy chủ tướng bị hy sinh, nhưng cảm kích trước tấm lòng xả thân, sự hy sinh anh dũng của võ tướng ái quốc thương dân, phong trào đấu tranh của Nhân dân Nam Kỳ bùng phát ngày càng mạnh mẽ.

Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hy sinh nhưng tên tuổi và sự nghiệp chống giặc, giữ nước của ông mãi mãi gắn chặt với mảnh đất Gò Công, là niềm tự hào của quê hương Tiền Giang, Quảng Ngãi và cả nước. Để tưởng nhớ nhân cách, tài năng và công lao to lớn của Trương Định, Nhân dân đã lập nhiều đền thờ, miếu thờ mang tên ông. Thương tiếc Anh hùng Trương Định tuẫn tiết, Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đã viết “12 bài thơ liên hoàn “Điếu Trương Định” và bài “Văn tế Trương Công Định”.

160 năm đã trôi qua kể từ ngày anh hùng dân tộc Trương Định hy sinh, nhưng hình ảnh của người lãnh tụ nghĩa quân vĩ đại và dấu ấn cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo, vẫn mãi còn in đậm trong những trang sử vàng kháng Pháp của Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Sau khi Trương Định hy sinh, ghi nhớ công ơn to lớn đối với sự nghiệp cứu nước, năm thứ 24 (1871), vua Tự Đức ban chiếu chỉ cho dựng đền ở làng Tư Cung để thờ tự. Trải qua thời gian và chiến tranh, đền thờ bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 2007, để tỏ lòng biết ơn và kính trọng của Nhân dân Quảng Ngãi cũng như đồng bào cả nước trước công lao to lớn của anh hùng dân tộc Trương Định đối với sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho xây dựng đền thờ ông tại thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi làm nơi thờ tự, tưởng niệm, thăm viếng và giáo dục truyền thống yêu nước. Đền thờ nằm dưới chân núi Đầu Voi, mặt quay về hướng Bắc với diện tích tổng thể là 26.668m2, gồm các hạng mục công trình: Cổng tam quan, nhà bia, đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà khách, sân vườn, tường rào bao quanh và khu vực Núi Đầu Voi.

Năm 2014, Đền thờ Trương Định được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đến năm 2023, được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Những năm qua, di tích lịch sử Đền thờ Trương Định luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử, đầu tư tôn tạo. Từ ngày mở cửa đến nay, Đền thờ Trương Định đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái cũng như tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định. Đồng thời, trở thành một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Quảng Ngãi.

Sau Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia, các đại biểu và Nhân dân cùng thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Trương Định, mong anh linh của Người mãi mãi sống trong hồn thiêng sông núi, mãi mãi sống với quê hương đất nước thân yêu đang phát triển đổi thay từng ngày.

                                                               Bài ảnh: Nguyễn Xuân Dũng

Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm 160 năm Ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết và Đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền thờ Trương Định:

 

 

 

 

 

 


Kết quả giải quyết hồ sơ

Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Thống kê truy cập

Đang online: 5
Hôm nay: 220
Hôm qua: 234
Năm 2025: 13.933
Tất cả: 13.951